Thủ Đoạn Ra Giá Cao Để Lừa Mua Thiết Bị: Chúng ta thường gặp trường hợp này rất nhiều trong kinh doanh và đời sống hàng ngày. Chiêu lật lọng của đối tác luôn làm ta tức chết mà không làm gì được. Để tránh phải gặp tình trạng này thì bạn hãy đọc ngay bài viết dưới đây nhé.

Xí nghiệp của bạn có một cỗ máy cũ muốn bán, vì thế bạn đăng báo quảng cáo, giá của bạn đưa ra là 150 nghìn đồng. Sau khi đăng quảng cáo, có nhiều khách đến coi hàng, trong đó có một người rất rộng rãi, chịu mua với giá 148 ngàn đồng, đồng thời đã giao 10% tiền thế chân. Bạn nằm mơ cũng không ngờ rằng cỗ máy cũ như thế mà có thế bán giá cao như vậy, cho nên bạn từ chối những khách hàng khác, ngồi đợi cuộc giao dịch chính thức hoàn thành.
Thế nhưng một tuần trôi qua vẫn không thấy động tĩnh gì. Mấy ngày nữa lại trôi qua, người mua cho người đến bảo rằng, lúc đó nóng lòng nên ra giá quá cao, cấp trên không đồng ý, đồng thời, họ cũng đã so giá hàng mới, cho rằng cỗ máy của bạn chỉ đáng giá 80 nghìn đồng.
Bạn rất bực bội về sự lật lọng của phía đối phương, nhưng bạn cũng đã từ chối những khách hàng khác, lại không muốn tốn tiền đăng quảng cáo nữa, chỉ đành kỳ kèo giá cả với người này, cuối cùng bạn bán cỗ máy của mình với giá 82 nghìn đồng. Trong khi đó trước đây đã có vài người trả 100 nghìn.
Nguyên nhân mắc lừa

1. Bị đối phương ra giá cao hấp dẫn.
2. Từ chối quá sớm những khách hàng khác, lại không có cách liên lạc với họ.
3. Nhận tiền thế chân của bên ít.
4. Hai bên không ký kết hợp đồng mua bán.
Bí quyết phòng tránh
Dù bên mua sử dụng thủ đoạn gì, khi hai bên thống nhất ý kiến với nhau, chúng ta cũng phải ký với phía đối tác một hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Nếu không một khi đối phương lật lọng, bạn đành bó tay. Ngoài ra khi chưa trả hết tiền theo quy định, không nên dễ dàng để đối phương đem thiết bị đi khiến cho bản thân chúng ta rơi vào thế bị động.
Nguồn tham khảo
101 TRÒ LƯỜNG GẠT TRONG KINH DOANH
Tác giả: Nguyễn Trường