Kỳ thị được định nghĩa là cái nhìn tiêu cực của số đông đến một người nào đó chỉ vì họ mang một số đặc điểm bất lợi về sức khỏe, tinh thần hoặc xuất phát xã hội của họ. Và điều không may là những bệnh lý về tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu của kỳ thị trong xã hội hiện nay.
Sự kỳ thị có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử. Phân biệt đối xử có thể được thể hiện trực tiếp và rõ ràng, chẳng hạn như việc một người nào đó luôn có cái nhìn tiêu cực và nói những điều không tốt về bạn nếu biết bạn bị bệnh tâm thần. Tuy nhiên, đôi khi sự phân biệt đối xử lại rất tinh tế như việc những người kỳ thị bạn bắt đầu tránh xa bạn vì họ cho rằng bạn không ổn định về tâm trí, do đó có thể nguy hiểm hoặc bạo lực cho những người xung quanh. Trong một số trường hợp có thể bạn tự kỳ thị chính mình.

Một số tác hại của việc kỳ thị bao gồm:
- Những người xung quanh bạn như bạn bè, người thân, đồng nghiệp sẽ không thể hiểu được tình trạng của bạn và dần xa lánh bạn;
- Bạn miễn cưỡng tìm sự giúp đỡ hoặc điều trị;
- Những người xung quanh có thể bắt nạt, tấn công, bạo hành về thể chất và tinh thần;
- Bạn sẽ mất niềm tin vào cuộc sống và nghĩ rằng mình không thể thành công trong cuộc sống và tình trạng bệnh sẽ không thể cải thiện hơn được;
- Bạn sẽ mất đi nhiều cơ hội nghề nghiệp, giảm khả năng đến trường và việc tìm nơi ở cũng sẽ khó khăn hơn.
Dưới đây là một số lời khuyên để giúp bạn đối phó với sự kỳ thị:
1. Điều trị bệnh càng sớm càng tốt
Bạn đừng để nỗi sợ hãi khi bị chuẩn đoán mắc bệnh tâm thần ngăn cản bạn tìm sự giúp đỡ. Bác sĩ có thể giúp bạn bằng cách phát hiện ra các triệu chứng về tâm thần, giúp làm giảm chúng để chúng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày cũng như công việc của bạn.
2. Đừng vì sợ sự kỳ thị mà cố gắng tìm cách đối phó một mình
Bạn có thể nhầm lẫn rằng những triệu chứng tâm thần của bạn chỉ là do bạn yếu đuối và bạn hoàn toàn có thể tự điều chỉnh nó bằng chính bản thân mình. Điều đó hoàn toàn không đúng. Bạn nên tìm kiếm những nhà tư vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý để nhờ họ tư vấn và điều trị các vấn đề của bạn, đồng thời kết nối với những người khác cũng bị bệnh tâm thần giống bạn, điều này có thể giúp bạn lấy lại sự tự tin và vượt qua cảm giác tự ti, mặc cảm.
3. Đừng tự cô lập bản thân
Các chuyên gia khuyến khích bạn nên nói cho ai đó biết về bệnh tâm thần của bạn, ví dụ như gia đình, bạn bè, bác sĩ hoặc các nhà hỗ trợ cộng đồng. Bạn nên nói với những người có thể giúp đỡ và không phán xét về bạn.
4. Tham gia một nhóm hỗ trợ
Tham gia nhóm hỗ trợ là sự lựa chọn chính xác cho những người đang đối phó với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các nhóm hỗ trợ thường được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng có một điểm chung là liên kết những người có cùng căn bệnh với nhau, ở đó họ có thể chia sẻ, thấu hiểu và trao đổi với nhau những kinh nghiệm để vượt qua bệnh tật.
5. Nhận trợ giúp ở trường
Phân biệt đối xử đối với học sinh do vấn đề sức khỏe tâm thần là trái pháp luật. Các trường tiểu học, trung học và đại học phải có nhiệm vụ giúp đỡ những học sinh có bệnh lý về tâm thần. Do đó, bạn đừng ngại nói chuyện với giáo viên, giáo sư, hoặc các nhà quản lý giáo dục về căn bệnh của mình.
6. Lên tiếng chống lại sự kỳ thị
Hãy lên tiếng về căn bệnh của bạn ở các cuộc họp nhóm hỗ trợ, trên báo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này sẽ giúp những người như bạn có động lực vượt qua bệnh tật, đồng thời giúp mọi người trong xã hội có cái nhìn thấu hiểu hơn về căn bệnh của bạn.
Sự phán xét tiêu cực của mọi người quanh bạn thường là do họ thiếu sự hiểu biết. Bạn có thể tạo ra sự khác biệt lớn nếu biết chấp nhận căn bệnh của mình, tìm cách điều trị, tìm sự giúp đỡ và hỗ trợ những người khác có hoàn cảnh giống bạn.