Kén tằm được chia làm hai loại: kén còn nhộng bên trong và kén không còn nhộng.
Vị thuốc được xem là có vị ngọt, tính ấm có các tác dụng an thai, điều kinh, chống ung loét. Loại còn nguyên nhộng được dùng làm thuốc trị xẩy thai, rong kinh, bạch đới; loại không còn nhộng dùng đốt thành than rắc vào các vết thương ung loét, trị nứt núm vú...

Nam dược Thần hiệu (Tuệ Tinh):
Tằm kiển (cái xác kén): là kén mà bướm tằm cắn và chui ra rồi. Vị ngọt, tính ấm, không độc, tính hay thúc đẩy ra. Trị đi tiểu ra máu, băng huyết, cam lở; mụn sưng không có miệng thì phá vỡ ra được...

Linh Nam Bản thảo (Hải Thuợng Lãn ông):
Tằm kiển tục gọi là kén xác. Ngọt, ấm, lành, thúc độc có công băng lậu, huyết lâm, cam, mụn, lở. Nhọt sưng không đầu, hay phá thông.
Nghiên cứu của Y học Hiện đại về kén tằm:
Hoạt tính làm hạ lipid trong máu và chống sơ cứng động mạch:
Nghiên cứu tại Ấn độ trên thỏ bị gây cao lipid và sơ vữa động mạch bằng cách cho ăn thực đơn chứa 1% cholesterol liên tục 12 tuần, dùng dịch chiết từ Kén tằm (bỏ nhộng) trong 6 tuần. Kết quả ghi nhận mức lipid giảm sau 4 tuần trị liệu (so với nhóm đối chứng); các mảng vữa thu hẹp về kích thước, đồng thời trọng lượng thỏ gia tăng và mức cholesterol HDL cũng tăng (Journal of Ayurveda and Integrative Medicine Số 2-2011).
Tác dụng gia tăng hoạt động của Hệ miễn nhiễm:
Lutein từ Kén tằm có hoạt tính gia tăng hoạt động của Hệ Miễn nhiễm (trong khi đó lutein từ Cúc Marigold lại không có hoạt tính này). Thử nghiệm trên chuột ghi nhận có những sự gia tăng số lượng các tế bào CD3+ và CD4+. Lutein từ Kén tằm cũng kích hoạt concavalin A, giúp sự bội sinh các tế bào lympho T và B, gia tăng sự bài tiết các IL-2 và INF-gamma (các hoạt động này không xảy ra với lutein từ Marigold) (Biological Research Số 47-2014).