Mô tả
Hạt nhỏ hình cầu, đường kính 1,5 - 3 mm, mặt ngoài màu trắng xám hay vàng nhạt, có vân hình mạng rất nhỏ, rốn hạt hình chấm nhỏ rõ. Hạt khô chắc, khi ngâm nước nở to ra. Lớp vỏ cứng mỏng, bóng. Khi cắt hạt ra thấy có lá mầm gấp, màu trắng, có chất dầu, không màu, vị hăng cay.

Vi phẫu
Vỏ hạt có tế bào chứa chất nhày, hạ bì có 2 lớp tế bào mô dày. Có một hàng tế bào đá xếp đều đặn, thành bên trong dày, thành bên ngoài mỏng. Tế bào mô mềm của lá mầm chứa giọt dầu và hạt aleuron.
Bột
Bột màu vàng. Có các mảnh mô mềm, tế bào vỏ hạt hình đa giác không đều, thàng mỏng. Mảnh nội nhũ và lá mầm. Các giọt dầu.
Định tính
Lấy 1 g dược liệu tán nhỏ, thêm 10 ml nước, đun sôi, lọc.
A. Lấy 2 ml dịch lọc, thêm 5 giọt thuốc thử Millon, để vài phút sẽ có màu đỏ
Điều chế thuốc thử Millon bằng một trong hai cách sau đây:
Cách 1: Hoà tan thuỷ ngân (I) nitrat trong 8,5 ml acid nitric 32% (TT) và pha thêm gấp hai lần thể tích nước, rồi gạn lấy phần nước trong.
Cách 2: Hoà tan 10 g thuỷ ngân trong 15 ml acid nitric đậm đặc (TT), thêm 30 ml nước và gạn lấy phần nước trong.
B. Lấy 2 ml dịch lọc, thêm 5 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), sẽ có màu vàng nâu.
Độ ẩm
Không quá 10%.
Tạp chất
Tỷ lệ hạt non, lép: Không quá 5%.
Chế biến
Thu hoạch vào cuối mùa hạ, đầu mùa thu, hái qủa chín, phơi cho nứt vỏ ngoài, lấy hạt bên trong phơi hoặc sấy khô.
Bào chế
Bạch giới tử sống: Loại tạp chất, khi dùng giã dập.
Bạch giới tử sao: Lấy bạch giới tử sạch, sao nhỏ lửa tới khi bột có màu vàng sẫm, mùi thơm cay bốc lên thì lấy ra để nguội, khi dùng giã dập nát.
Bảo quản
Để nơi khô, thoáng, trong bao bì kín, tránh sâu, mọt.
Tính vị qui kinh
Tân, ôn. Vào kinh phế.
Công năng, chủ trị
Lý khí trừ đờm, thông kinh lạc chỉ thống. Chủ trị: Ho suyễn, đau tức ngực do hàn đờm. Khớp xương tê đau do đàm thấp lưu trú, âm thư, thũng độc.
Cách dùng liều lượng
Ngày dùng 3 - 9g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Dùng ngoài lượng thích hợp để đắp khớp có nước, thũng độc.
Kiêng kỵ
Phế hư, ho khan không dùng.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị viêm phế quản cấp mạn trẻ em:
Bạch giới tử 100g tán bột, mỗi lần dùng 1/3 thêm bột mì trắng 90g, cho nước vào làm thành bánh, trước khi đi ngủ đắp vào lưng trẻ, sáng ngủ dậy bỏ đi, đắp 2 - 3 lần. Đã trị 50 ca kết quả tốt (Kỳ tú Hoa và cộng sự, Báo Trung y dược tỉnh Hắc Long giang 1988,1:29).
2.Trị viêm phổi trẻ em:
Đắp Bạch giới tử ở ngực làm phương pháp hổ trợ trị viêm phổi trẻ em 100 ca, thuốc có tác dụng tăng nhanh tiêu viêm (Trần nãi Cần, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1986,2:24).
3.Trị liệt thần kinh mặt ngoại biên:
Lấy Bạch giới tử hoặc Hoàng giới tử tán bột 5 - 10g, cho nước làm thành hồ, gói vào miếng gạc đắp vào chỗ liệt ơ ûmá giữa 3 huyệt: Địa thương, Hạ quan, Giáp xa. Dán băng keo cố định, 3 - 12 giờ lấy ra, cách 10 - 14 ngày đắp 1 lần, gia thêm lễ. Đã trị 1052 ca, trong đó 137 ca trị một lần bỏ dở còn 915 ca tiếp tục theo dõi, tỷ lệ kết quả 97,7% (Trương Chính Quảng, Tạp chí Trung Y Sơn đông,1986,5:25).
4.Trị ho suyễn khó thở, đàm nhiều loãng:
Tam tử dưỡng thân thang (Hàn thi Y thông): Bạch giới tử 3g, Tô tử, La bạc tử đều 10g sắc uống.
5.Trị đau các khớp do đàm trệ:
Bạch giới tử tán: Mộc miết tử 3g, Bạch giới tử, Một dược, Quế tăm, Mộc hương đều 10g, tán bột mịn làm thuốc tán, mỗi lần uống 3g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm càng tốt.
6.Trị lao hạch lâm ba:
Bạch giới tử, Hành củ lượng bằng nhau. Bạch giới tử tán bột trộn với Hành giã nát đắp ngày 1 lần cho đến khi lành.
7.Trị nhọt sưng tấy (giai đoạn mới mắc chưa vỡ):
Bạch giới tử tán bột trộn giấm đắp.
Chú ý:
+ Thuốc tính cay tán, thận trọng đối với các bệnh nhân âm hư hỏa vượng.
+ Thuốc không nên sắc lâu vì giảm tác dụng.
+ Không nên dùng lượng nhiều vì dễ gây tiêu chảy. Vì thuốc tiếp xúc với nước sinh ra Hydroxyt lưu huỳnh kích thích ruột làm tăng nhu động ruột.
+ Thuốc đắp ngoài gây bỏng nên không dùng cho người dị ứng ngoài da.